Đánh giá

Một ý tưởng kinh doanh không nhất thiết phải là một phát minh mới mà chỉ cần giải quyết được vấn đề tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh!

 09 Tháng 04, 2020

Đối với bất kỳ ai, khi trong đầu bật ra một ý tưởng kinh doanh thì đều cảm thấy nó là hay nhất, tuyệt vời nhất, thậm chí có thể mất ăn mất ngủ vì nó. Nhưng để biết được liệu ý tưởng đó có đáng để theo đuổi hay không lại là một câu chuyện khác!

Để tìm được ý tưởng kinh doanh phù hợp và tính khả  thi của nó thì bạn hãy cùng In Ánh Dương đi qua 5 bước đơn giản dưới đây nhé!

Bước 1: Xem xét lại bản thân xem mình có những kỹ năng gì, sở thích và đam mê điều gì?

  • Bạn có những kỹ năng cụ thể gì? Sửa xe, làm bánh, nấu ăn, may vá…
  • Bạn có kỹ năng tổng quát gì? Quản lý dự án…

Về cơ bản, bạn nên xem xét các lĩnh vực mình am hiểu và làm sao để áp dụng chúng vào ý tưởng kinh doanh.

Sau đó hãy xem đam mê của bạn là gì? Điều này cực kỳ quan trọng, bởi đây sẽ là động lực giúp bạn vượt qua khó khăn, thử thách khi khởi nghiệp (ví dụ như bạn ghét ăn trứng nhưng lại phải nếm những chiếc bánh trứng cả ngày trong quán của bạn thì thật là đáng sợ phải không?

Bước 2: Xem xét điều kiện ở khu vực bạn muốn kinh doanh

Bạn không thể chỉ quan tâm đến bản thân mà còn phải xem bản thân bạn có thể đóng góp, đáp ứng điều gì cho xã hội.

Bạn cần biết về cuộc sống của những người xung quanh, họ có sở thích gì, thường làm công việc gì, điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn gì… Bạn có thể dùng khả năng và đam mê của mình giải quyết được điều gì?

Ví dụ: Bạn là một người yêu mèo, nhưng nơi bạn sống lại có quá ít dịch vụ chăm sóc mèo. Bạn lại là một người giỏi lập trình nên bạn quyết định xây dựng một trang web để liên kết chủ vật nuôi và bác sỹ thú y khi họ cần giúp đỡ.

Bước 3: Lập 1 danh sách các từ khóa liên quan đến ý tưởng của bạn và thử tìm kiếm nó trên mạng

Hãy xem ý tưởng của bạn đã được ai triển khai chưa? Họ đang hoạt động như thế nào? Mọi người có đang tìm kiếm những giải pháp mà ý tưởng của bạn có thể cung cấp không? Và họ có đề xuất điều gì mà bạn có thể cải thiện không?

Tiếp theo, phân tích từ khóa bằng Google Trend, xem tần suất mà người dùng tìm kiếm, vị trí của họ, thông tin họ tìm và các lượt tìm kiếm xem có đều đặn hay chỉ là xu hướng nhất thời.

Cuối cùng là tìm trên mạng xã hội để xem các đối thủ đang hoạt động hiện có bao nhiêu người theo dõi, họ có nhận được nhiều lượt tương tác không? Khách hàng đang nói gì về họ (cả khen và chê).

Từ đó, liệt kê những cách cải thiện những điều họ đang làm để giúp bạn tạo ra sự khác biệt.

Bạn hãy đặt cho mình những câu hỏi:

Bạn có thể cung cấp sản phẩm, dịch vụ chất lượng hơn không?

Bạn có thể phát triển thương hiệu và tiếp thị hiệu quả hơn không?

Bạn có thể giúp người dùng có trải nghiệm tốt hơn không?

Bước 4: Đánh giá nguồn lực

Bạn có thể mất bao nhiêu thời gian để khởi nghiệp?

Bạn có bao nhiêu vốn, có đủ để đi đến cùng không?

Doanh nghiệp nào cũng cần phải có lợi nhuận để tiếp tục duy trì và phát triển

Bước 5: Lắng nghe ý kiến đóng góp

Thật là một điều thiệt thòi khi bạn chỉ muốn giữ ý tưởng đó cho riêng mình mà không chia sẻ với bất kì ai, bởi bạn sẽ làm mất đi rất nhiều ý kiến đóng góp quý giá từ những người thân yêu của bạn.

Hãy lắng nghe ý kiến của những người bạn tin tưởng, những người có chuyên môn hoặc làm việc cùng ngành với vấn đề bạn đang cố gắng giải quyết.

Hãy cởi mở với nhưng lời chỉ trích cũng như đề xuất và sẵn sàng thay đổi để phát triển ý tưởng, bởi rất nhiều người khi bắt đầu, nghĩ rằng họ đang giải quyết vấn đề A nhưng sau đó mới chợt nhận ra mình đang giải quyết vấn đề B mất rồi.

Tuy rằng vạn sự khởi đầu nan, nhưng bạn sẽ cảm thấy đơn giản hơn nếu chia quá trình xây dựng ý tưởng kinh doanh thành các bước nhỏ như trên.

Bây giờ, hãy bắt tay vào tạo danh sách những việc cần làm trên con đường đi tới ý tưởng lớn của bạn nhé!